Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP, Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo hai nội dung sau:

- Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;

- Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài.

Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP, người được trao quyền thực hiện các việc chứng thực thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp cấp huyện là Trưởng phòng, Phó trưởng phòng.

Sau khi Nghị định 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và được tổ chức thực hiện trên thực tế đã đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn; đặc biệt là đáp ứng được các yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng, chứng thực. Mặc dù vậy, qua quá trình triển khai thực hiện trên thực tế, Nghị định 79/2007/NĐ-CP đã bộc lộ một số điểm bất cập như việc xác định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực cho Phòng Tư pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP chưa thực sự góp phần hữu hiệu cải cách thủ tục hành chính, bởi vì trong thực tế có nhiều trường hợp hồ sơ của người yêu cầu chứng thực gồm nhiều loại giấy tờ, văn bản cần chứng thực bản sao từ bản chính như: Giấy tờ bản chính bằng tiếng nước ngoài, giấy tờ, bản chính song ngữ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp, bản chính là văn bằng, chứng chỉ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp... một số giấy tờ, văn bản thuộc thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện, một số giấy tờ, văn bản thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Mặt khác, việc xác định thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã theo quy định tại Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP không đáp ứng được yêu cầu của thủ tục hành chính là phải linh hoạt, mềm dẻo. Trong trường hợp nêu trên, theo quy định của Khoản 1 Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì người yêu cầu chứng thực sẽ phải lần lượt mang từng loại giấy tờ trong hồ sơ đến Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã để chứng thực. Những hồ sơ chứng thực nêu trên tuy không nhiều, nhưng nếu theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP như vậy sẽ mất nhiều thời gian của người yêu cầu chứng thực, mặt khác mục đích của việc cải cách thủ tục chứng thực đặt ra trong trường hợp này và những trường hợp khác tương tự là không đạt được. 

Trước thực trạng việc thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP còn có những điểm bất cập về thẩm quyền chứng thực, thủ tục chứng thực, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2008/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2007/NĐ-CP. Tại Điều 1 Thông tư 03/2008/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể việc chứng thực bản sao từ bản chính, giấy tờ, văn bản của Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã như sau:

a) Đối với các giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng Việt hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp bằng tiếng Việt, có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài (ví dụ: Giấy chứng nhận kết hôn của người Việt Nam và người nước ngoài, trong đó có ghi tên, địa chỉ của người nước ngoài bằng tiếng nước ngoài...) thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực là Uỷ ban nhân dân cấp xã.

b) Đối với các giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng nước ngoài hoặc chủ yếu bằng tiếng nước ngoài có xen một số từ bằng tiếng Việt (ví dụ: Văn bằng, chứng chỉ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp cho người Việt Nam trong đó có ghi tên người Việt Nam bằng tiếng Việt...) thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực là Phòng Tư pháp cấp huyện.

c) Đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: Hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài... trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã.

d) Đối với trường hợp một tập hồ sơ, tài liệu mà trong đó vừa có giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt vừa có giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài thì để thuận tiện, người yêu cầu chứng thực có thể lựa chọn một trong hai phương án sau đây:

- Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng thực giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;

- Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực cả hai loại giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

            Căn cứ nội dung hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư 03/2008/TT-BTP thẩm quyền chứng thực và thủ tục chứng thực đã đáp ứng được các yêu cầu về thẩm quyền và cải cách thủ tục chứng thực, đáp ứng được các yêu cầu chứng thực của người yêu cầu chứng thực. Theo đó hoạt động chứng thực cũng đạt được những kết quả rất khả quan. Nhưng theo Điều 1 của Thông tư 03/2008/TT-BTP, Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn việc chứng thực bản sao từ bản chính, giấy tờ, văn bản; việc chứng thực chữ ký không được đề cập đến. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều bất cập trong quá trình Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện thẩm quyền của mình trong việc chứng thực chữ ký.

Để tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện có hiệu quả thẩm quyền của mình trong lĩnh vực chứng thực, mặt khác nhằm cải cách thủ tục chứng thực và tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực, ngày 20/01/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2012. Điều 1 của Nghị định 04/2012/NĐ-CP quy định như sau:

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký:

1. Điểm a và điểm b khoản 1 Điều 5 được sửa đổi như sau:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.

b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.

2. Bổ sung điểm c vào khoản 1 Điều 5 như sau:

c) Chứng thực các việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.

Như vậy, theo Nghị định 04/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện gồm các nội dung sau:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ;

b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ;

c) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;

d) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực các việc chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.

 

CÔNG TY TNHH MAI SÁNG THỰC HIỆN DỊCH VỤ SAU:

1. Tư vấn các thủ tục, điều kiện hợp pháp hóa lãnh sự

2. Xin chứng nhận Đại sứ quán các nước phục vụ cho việc Hợp pháp hóa lãnh sự

3. Dịch thuậtDịch công chứngSao y bản chính các tài liệu phục vụ cho việc HPH

4. Hoàn thiện hồ sơ xin hợp pháp hóa lãnh sự cho khách hàng

Hãy gọi (04) 39 878 616 và gửi tài liệu vào Email: maisang109@gmail.com