BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 ---------------

Số: 115/2015/TTLT-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2015

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 08/2012/TTLT-BTC-BTP NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2012 HƯỚNG DẪN VỀ MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CÔNG CHỨNG

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng, như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19 tháng 01 năm 2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng được áp dụng đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, bản dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng, phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản theo quy định của Luật công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng.

2. Thông tư này áp dụng với các đối tượng sau đây:

a) Đối tượng nộp phí công chứng là cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng.

b) Đối tượng nộp phí chứng thực là cá nhân, tổ chức yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.

c) Đơn vị thu phí công chứng, chứng thực bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng (sau đây gọi là đơn vị thu phí)”.

2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 2 như sau:

“1. Mức thu phí công chứng, chứng thực quy định tại Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Trường hợp đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng thì mức thu phí quy định tại Thông tư này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài có nhu cầu nộp phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí”.

3. Sửa đổi Mục 4, 7, 8 khoản 3 Điều 2 như sau:

Số TT

Loạiviệc                                                                   

Mứcthu

(đồng/trườnghợp)

4

Côngchứnghợpđồngủyquyền

50.000

7

Côngchứngviệchủybỏhợpđồng, giaodịch

25.000

8

Côngchứng di chúc

50.000

4. Bổ sung khoản 6, 7, 8 Điều 2 như sau:

“6. Phí công chứng bản dịch: 50.000 đồng/trang đối với bản dịch thứ nhất.

Trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ hai trở lên thu 5.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 3.000 đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản.

7. Phí chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản.

8. Phí chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản)”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng đã được thực hiện, người yêu cầu công chứng phải nộp phí công chứng.

Khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, người yêu cầu chứng thực phải nộp phí chứng thực”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

Điều 4. Quản lý, sử dụng phí công chứng, chứng thực

1. Đối với đơn vị thu phí là Phòng công chứng: Phí công chứng, phí chứng thực thu được là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Đơn vị thu phí được trích 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc quản lý và thu phí theo chế độ quy định.

b) Đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước 50% (năm mươi phần trăm) tiền phí thu được theo chương, loại, khoản, mục của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Đối với đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng: Phí công chứng, phí chứng thực thu được là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị thu phí. Đơn vị thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí thu được sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật. Hàng năm, đơn vị thu phí phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau:

“2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí,Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ,Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)”.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG 

(Đã ký)


Nguyễn Khánh Ngọc

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH 

THỨ TRƯỞNG 

(Đã ký)


Vũ Thị Mai